Một người nông dân ở An Giang, người kia ở Cà Mau, cách nhau 200 km nhưng cùng chung đam mê lai tạo những loài cây sống được trên vùng mặn.
Gia đình bà Trương Thị Hòa (Gò Công Tây, Tiền Giang) tưới ruộng lúa nhiễm mặn từ ao trữ nước
"Lúa gạo rớt giá thê thảm. Nước mặn xâm nhập, sâu, bệnh tùm lum. Haiz. Đời lão sẽ về đâu?", một trạng thái trên Facebook Hien Hoa Si, ngày 11/2, đăng kèm ảnh nằm võng, mặc áo thun, tay trái làm động tác bóp trán.
"Có vài đứa học trò ý kiến là nên về Đăk Nông, Đăk Lăk dễ sống! Cần Thơ, Hậu Giang sớm muộn gì cũng bị nước mặn xâm nhập, khó sống lắm em ơi", bình luận của chính tác giả.
Hien Hoa Si là nickname của ông Hoa Sĩ Hiền, 51 tuổi, một nông dân ở thị xã Tân Châu, An Giang. Trong vòng một tháng giữa mùa hạn mặn cao điểm miền Tây, người đàn ông này đăng liên tục 10 trạng thái về hạn mặn. Ông chính là tác giả của khoảng 50 giống lúa sau gần 15 năm nghiên cứu, lai tạo. Trong đó, giống lúa TC7 có thể chịu độ mặn đến 4 phần nghìn, được Cục Trồng trọt công nhận cho sản xuất thử ở Đồng bằng sông Cửu Long vào tháng 1/2019.
"Trại nghiên cứu" của ông Hoa Sĩ Hiền là mảnh đất rộng 4 công, nằm sâu trong con hẻm ở thị xã Tân Châu, cách điểm cuối đường một sân đá bóng. Ở đó, Hoa Sĩ Hiền như một kẻ quy ẩn giang hồ để luyện môn võ công: lai tạo giống lúa.
Cả ngày lúi húi trên đồng ruộng để "soi" lúa, ngửi đất, tay chân và quần áo của Hoa Sĩ Hiền thường lấm bùn. Lúc rảnh tay, "ẩn sỹ" này lại ngồi vắt chân lên chiếc ghế gỗ xù xì, thô ráp do chính tay mình đục đẽo, uống trà hút thuốc. Khi có ai hợp cạ để nói chuyện lúa, ông Hiền có thể say sưa "cả ngày không hết chuyện".
Hoa Sĩ Hiền là con nhà nông "chính hiệu", lớn lên trong chiến tranh nên chỉ học hết lớp 6 trường làng. Đến tuổi thanh niên, ông khởi nghiệp với ba công đất để dành dụm tiền cưới vợ, nhờ chăm chỉ làm lụng, ông Hiền trở thành nông dân sản xuất giỏi. Đến năm 2000, diện tích trồng lúa của vợ chồng lên đến 40 công đất (40.000 m2).
Những năm đó, Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Đại học Cần Thơ và Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang phối hợp thực hiện Chương trình "Xã hội hóa giống lúa" ở tỉnh này. Khi đó, Hoa Sĩ Hiền là một trong những nông dân ưu tú được chọn để tham gia, và ông đã tham dự nhiều lớp tập huấn về lai-chọn giống lúa và sản xuất lúa giống chất lượng tại tỉnh An Giang.
Đến năm 2004, ông Hiền đã lai tạo ra bốn giống lúa TC1, TC2, TC3, TC4 cho gạo mềm ngon, năng suất cao với khả năng chống rầy nâu, đạo ôn mà không cần dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Các giống lúa đã giải cơn đau đầu cho nhiều nông dân trong bối cảnh dịch rầy nâu, đạo ôn hoành hành.
Các giống lúa đầu tiên cũng trở thành bước ngoặt với nông dân Hoa Sĩ Hiền. Ông nhường một việc khó cho vợ là quản lý, canh tác phần lớn đất của gia đình để nuôi con. Phần ông chỉ "xin" 4 công đất của gia đình để làm nơi thực nghiệm.
Hàng loạt giống lúa đã ra đời từ quyết định ấy với ký hiệu TC, nghĩa là Tân Châu, nơi Hoa Sĩ Hiền chôn nhau cắt rốn. Là nông dân, sống gần nông dân, giống lúa nào của ông cũng nhắm đến giải quyết những vấn đề cụ thể về năng suất, chất lượng, thích nghi đất đai, kháng sâu-bệnh.
Khi biết nhiều vùng đất đang nhiễm phèn, ông bắt đầu hành trình lang thang khắp vùng Đồng Tháp Mười tìm nguồn gen tốt từ các giống lúa hoang để lai tạo.
Nắm được đặc tính của giống lúa hoang (chống chịu tốt với điều kiện khắc nghiệt) là chìa khóa để ông lai tạo, bởi sức sống mạnh mẽ của chúng trong môi trường tự nhiên. Thế rồi giống lúa TC6 ra đời với khả năng chống chịu phèn.
Năm 2009, tin tức về một sống vùng nhiễm mặn ở Cà Mau, Kiên Giang đến được tai Hoa Sĩ Hiền. "Nhớ năm xưa, khi chưa có biến cố mặn xâm nhập mình nói tạo giống chiụ mặn để lấy nước biển tưới, hầu như cả xã hội đều cho rằng mình là nhà khoa học khùng điên", ông Hiền kể lại.
Nhờ một người bạn mang 4 lít nước biển Phú Quốc với độ mặn 40 phần nghìn về, ông Hiền vẫn chưa có đủ nước để thí nghiệm, thế là ông mua thêm muối của hàng tạp hóa ngoài chợ. Khi các tiểu thương bán cá hỏi ông mua muối để làm gì, Hoa Sĩ Hiền bảo mua về bón lúa. Các chị đều cười ồ. "Bị cười tức lắm mà thôi nghĩ lại họ không biết thì thôi bỏ qua", ông Hiền xuề xòa.
Sau khi làm "chết hết cả ngàn thằng" (bụi lúa), các chuyên gia đến thăm lô đất thử nghiệm của ông đều lắc đầu, bảo rằng lô đất này nhiễm mặn rồi! Hoa Sĩ Hiền mới thú thật là cố tình làm cho đất mặn để chuẩn bị cho chọn giống chịu mặn.
Không bỏ cuộc, Hoa Sĩ Hiền tiếp tục thử nghiệm, chia đất thành những lô khác nhau để thử độ mặn tăng dần nhằm "xem thằng nào sống sót". Cuối cùng, giống lúa TC7 ra đời.
Tiến sĩ Huỳnh Quang Tín, Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Đại học Cần Thơ (MDI) ấn tượng với sự năng động, đam mê của ông Hoa Sĩ Hiền. Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang và các nhà khoa học đã hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn khoa học kỹ thuật để giúp ông Hiền lai chọn giống lúa.
Trong các giống lúa ông Hiền lai tạo, giống TC7 phù hợp với những vùng đất nhiễm mặn và vùng tôm-lúa. Giống lúa này đã được Viện MDI, Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh An Giang giúp khảo nghiệm, lập hồ sơ đăng ký công nhận giống lúa mới và đã được Cục Trồng trọt đã công nhận Giống lúa TC7 cho sản xuất thử ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Giống lúa TC7 đã sản xuất thử ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang từ năm 2019 đến nay đều đạt năng suất cao hơn giống trồng phổ biến tại địa phương.
Càng dấn thân lai tạo giống lúa, ông Hiền lại không dứt được mối trăn trở với các vấn đề "thời sự" như hạn mặn. Ông tiếp tục nghiên cứu khả năng chịu đựng độ mặn của cây lúa, vì nhiều vùng nước biển xâm nhập còn mặn hơn khả năng chịu đựng của TC7.
"Khó khăn mà chúng ta giải quyết không được, tùy theo số phận thì sai, chúng ta phải tạo ra nhiều giải pháp thích nghi để tồn tại", ông Hiền quả quyết.
Ông Hiền lan tỏa tình yêu với cây lúa và quyết tâm chinh phục ấy đến hàng trăm sinh viên ở An Giang. Họ chọn đồng ruộng của ông làm nơi thực nghiệm, thực tập và học hỏi từ ông thầy chân đất.
Hoa Sĩ Hiền tâm niệm, sống phải để lại điều gì đó cho cộng đồng, đất nước, chứ không phải giữ khư khư cho bản thân mình, vì "càng giữ nhiều thì càng mắc nợ nhiều". Ngoài gia tài là những giống lúa, Hoa Sĩ Hiền vẫn cười hào sảng với cái nghèo "vẻ vang" của mình.
Gần đây, một số nông dân từng trồng giống lúa TC7 gọi cho ông Hiền hỏi giống. Họ phân trần rằng đã trồng giống lúa của ông nhiều năm, năng suất và chất lượng tốt, nhưng vỏ hơi dày nên thương lái chê. Mấy năm nay, họ chuyển qua giống lúa khác thì gặp cơn hạn mặn, lúa chết hết cả. "Bây giờ giống lúa TC7 sẽ không còn bị chê nữa", Hoa Sĩ Hiền tâm sự.
Tiến sĩ Huỳnh Quang Tín đánh giá, TC7 là giống lúa năng suất cao, đạt 6-8 tấn mỗi ha. Cây lúa to, cứng, dễ thu hoạch bằng máy gặt đập liên hiệp. "Dĩ nhiên giống lúa có sức sống để chịu mặn thì phải có những đặc điểm riêng", ông Tín lý giải. Ông cho rằng cái khó là giống lúa này mới được công nhận sản xuất thử và thương lái chưa biết nên ít mua, từ đó nông dân ít làm.
"Việc sản xuất giống lúa này nếu phối hợp với thương lái thì có thể nhân rộng sản xuất", ông Tín khẳng định, giống lúa TC7 rất triển vọng để sản xuất thử cho vùng đất nhiễm mặn ở miền Tây.
Trong những ngày đầu Hoa Sĩ Hiền "khởi nghiệp" với nghề lai tạo giống lúa, thì ông Mai Lam Phương (Út Phương) ở huyện Cái Nước, Cà Mau mới dắt vợ về quê sau nhiều năm lang bạt ở TP HCM.
Ban đầu, ông trồng đọt lan nhiều nên được đặt biệt danh là Út Đọt Lan. Rồi sau đó là Út Mãng Cầu, Út Thỏ, Út Rắn, Út Heo Mọi, Út Gà, Út Nhím... Và cuối cùng ông đã tìm ra định danh khiến mình tự hào: Út Thanh Long.
Út Thanh Long tìm ra cách trồng thanh long trên thân cây mắm năm năm trước. Nhờ kiến thức thời đi học và trau dồi qua sách vở, ông cấy ghép thanh long trên nhiều cây trồng như dừa, đước, bần, mắm....
Những cây thanh long ông cấy đều sống tốt, chỉ có điều sau một thời gian cho cây ký sinh, sống nhờ thì cây chủ héo hon, chết, chỉ có "thằng quỷ sứ" (cây mắm) là chịu nổi.
Ông Út giải thích, vỏ cây mắm có nhiều lớp truyền dẫn dinh dưỡng nên không bị ảnh hưởng khi thanh long ký sinh. Nhưng cây thanh long đã ký sinh trên cây mắm nhưng lại rất "kêu", thích xòe thân ra khắp nơi. Ngay từ lúc cấy, ông Út phải để ý để thân thanh long bám vào thân cây mắm.
Có sẵn cây mắm trong vườn, ông Út chỉ cần trồng thanh long để cho đợt trái đầu tiên. Cách trồng của ông Út thuận tự nhiên, số lượng thanh long chỉ một mùa, từ tháng 6 đến tháng 9. Sản lượng bằng một phần ba sản lượng vườn bình thường (khoảng 20 tấn). Vườn bình thường 1.000 gốc nếu thuận lợi đạt khoảng 60 tấn một năm.
Quả thanh long của ông Út kích thước nhỏ gọn, ruột trắng, ít hạt, vì ngọt thanh, đặc biệt nhất là có mùi hương nhãn. Vì là hàng hiếm, sản lượng thanh long của ông không đủ cung cấp cho thị trường, chỉ bán ở chợ địa phương.
Nguồn: vnexpress
#may_rang_chat_luong; #may_rang_gia_re; #may_rang_chat_luong_cao_gia_re; #thuan_phat; #may_rang; #may_rang_cafe_fast_roaster; #may_rang_ca_phe_fast_roaster, #fast_roaster, #may_rang_ca_phe_thuan_phat, #may_rang_cafe, #may_rang_chuyen_nghiep, #may_rang_cong_nghe, #may_rang_gia_re, #may_rang_hot_air, #may_rang_ben, #may_rang_tot, #may_rang_3kg, #may_rang_10kg, #may_rang_20kg, #may_rang_thuong_mai, #may_rang_cong_nghiep, #may_rang_cafe_chuyen_nghiep